Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Trong những năm gần đây những hiện tượng cực đoan như hạn hán, ngập lụt, sạt lỡ, bão lụt diễn ra ngày càng phức tạp. Hơn bao giờ hết, tại thời điểm này (cuối tháng 10/2020), miền Trung của chúng ta đang phải chịu nhiều đau thương khi những trận lũ lịch sử năm nào đã lặp lại trên mảnh đất này. Chúng ta hãy cùng nhìn lại những trận lũ lụt kinh hoàng trong suốt 20 năm qua để hiểu thêm rằng dân ta phải gánh chịu những nỗi đau ấy rất nhiều lần trong quá khứ.
1. Trận đại hồng thủy tại miền Trung tháng 11/1999
Tháng 10/1999, mưa lớn kéo dài tại miền Trung đã khiến mực nước các sông lên đến mức kỷ lục, nhất là tại sông Hương. Theo Wikipedia, lúc đó, lượng mưa trong một ngày ở thành phố Huế lên đến 1.384 mm. Sau đó, đỉnh lũ ở sông Hương đã lên tới mức kỷ lục, cao nhất trong vòng 100 năm (tính đến năm 1999).
Trận lũ lụt kinh hoàng lịch sử tại miền Trung tháng 11/1999 được xem là trận lụt lớn nhất từ trước đến thời điểm đó xảy ra tại Việt Nam. Theo Wikipedia, nó đã làm ngập trắng 10 tỉnh, thành và khiến 595 người chết, thiệt hại tổng cộng hơn 3.773 tỷ đồng. Thiệt hại nặng nề nhất là các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng. Riêng tại Thừa Thiên Huế, đã có 372 người chết và thiệt hại hơn 1.780 tỷ đồng.
2. Cơn lũ năm 2000 tại đồng bằng sông Cửu Long
Lũ năm 2000 về sớm, đạt mức lớn nhất trong 76 năm gần đây ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và diễn biến phức tạp với hai đỉnh kế tiếp nhau, gây ngập lụt nghiêm trọng trên lưu vực sông Mekong, đặc biệt là vùng ĐBSCL.
Những thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2000 ở khu vực ĐBSCL là rất nghiêm trọng: 539 người chết(hơn ba trăm là trẻ em), 212 người bị thương, hơn 9.457 căn nhà bị sập hoàn toàn;hơn nửa triệu người phải cứu trợ khẩn cấp, hơn 80 vạn học sinh phải nghỉ học từ 1-3 tháng…Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra ở khu vực ĐBSCL trong năm 2000 , ước tính khoảng 4.626 tỉ đồng.
3. Lũ lụt kinh hoàng tại Hà Nội tháng 11/2008
Đợt mưa lớn trái mùa năm 2008 tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ đã vượt qua mọi dự đoán và gây ra trận lụt lịch sử tại Hà Nội. Đợt mưa lớn này được đánh giá là có lượng mưa kỷ lục trong vòng 100 năm tại đây (tính đến năm 2018). “Tính đến chiều 1/11/2008, tổng lượng mưa ở khu vực Hà Nội phổ biến từ 350 – 550 mm”, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết.
Thiệt hại do trận lụt gây ra là rất lớn, tại Hà Nội đã có 17 người thiệt mạng, tuyến đê sông Hồng bị sạt mái, gần 13.000 hộ dân ven đê ngập nhà cửa, các hồ chứa bị tràn nước. Tổng thiệt hại ban đầu tại Hà Nội ước tính ít nhất là 3.000 tỷ đồng.
4. Lũ lụt kinh hoàng tại miền Trung tháng 11/2010
Đây là một đợt mưa lũ lớn trên diện rộng tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế vào đầu tháng 10 năm 2010. Lũ lụt đã làm 32 người chết và mất tích, hàng chục ngàn ngôi nhà bị ngập trong nước lũ, giao thông đường bộ và đường sắt tê liệt. Lũ lớn còn đe dọa sự an toàn của các đập thủy điện, làm hàng chục nghìn người phải sơ tán.
5. Trận lụt tại miền Trung 2011
Các trận lụt đã nâng tổng số người chết trong 3 tuần đầu diễn ra lên 55 người. Hãng thông tấn Đức trích số liệu của Ủy ban Phòng chống lụt bão Quốc gia cho hay, 4 người vẫn còn đã mất tích và 14 người khác bị thương ở các tỉnh miền Trung. Tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất là Quảng Bình, nơi hàng ngàn ngôi nhà ngập trong nước. Giới hữu trách đã sơ tán khoảng 7.200 người ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Lụt lội do mưa lớn gây nên cũng đã làm hư hại một số đoạn đường trên Quốc lộ 1, gây nên cảnh tắc nghẽn giao thông trong khi ít nhất 5 chuyến tàu chở khoảng 2.000 hành khách cũng bị mắc kẹt ở tỉnh Quảng Trị.
Trận lụt tồi tệ nhất trong hơn một thập niên qua ở Đồng Bằng Sông Cửu Long cũng đã buộc gần 235.000 học sinh phải nghỉ học. Cơ quan chức năng ước tính thiệt hại từ trận lụt lên tới 70 triệu USD.
6. Trận lụt ở miền Trung năm 2013
Theo báo cáo nhanh từ Trung tâm Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn (PCLB – TKCN) khu vực miền Trung – Tây Nguyên, tính đến 17/11/2013 các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên đã tiến hành sơ tán 19.349 hộ/78.395 người từ các vùng ven biển không an toàn, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trũng thấp, có nguy cơ bị ngập sâu.
Thiệt hại ban đầu do mưa lũ gây ra tại miền Trung là khá lớn. Theo thống kê sơ bộ, đã có 26 người chết; số người mất tích: 10 người. Về tài sản: nhà đổ, sập, trôi là 53 cái; nhà tốc mái: 166; nhà ngập: 109.452 nhà…
7. Mưa lũ lịch sử tàn phá Quảng Ninh tháng 7/2015
Theo Vietnamnet, tổng lượng mưa đo được tại một số điểm ở Quảng Ninh từ ngày 23 đến ngày 29/7/2015 đã vượt quá 1.500 mm. Theo đánh giá, đây là trận mưa lớn nhất trong vòng 55 năm tại Quảng Ninh (tính đến năm 2015), phá vỡ hàng loạt kỷ lục. Sau ba ngày mưa lũ, tổng thiệt hại về tài sản tại đây đã vượt quá con số 1.000 tỷ đồng, 23 người thiệt mạng và mất tích, gần 4000 nghìn ngôi nhà bị ngập lụt.
8. Áp thấp nhiệt đới Việt Nam tháng 11/2016
Áp thấp nhiệt đới tại Việt Nam tháng 11 năm 2016 đã gây ra lũ lụt nặng nề trên khắp miền trung và miền nam Việt Nam. Các báo cáo sau cơn bão đã tuyên bố rằng tổng cộng 15 người đã chết trong khi 6 người vẫn đang mất tích. Những vùng đất rộng lớn bị ngập nước và nhiều ngôi nhà bị hư hại. Thiệt hại từ áp thấp ước tính đạt 1,073 nghìn tỷ (48,1 đô la triệu USD). Một số người nói rằng Việt Nam đã có trận lụt tồi tệ nhất kể từ năm 2011.
9. Lũ cuối năm 2017 ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc
Lũ đặc biệt lớn xấp xỉ mức lịch sử vào đầu tháng 11/2017 sau bão số 12 tại các tỉnh miền Trung, gây ngập sâu tại thành phố Huế và thị xã Hội An đúng vào tuần lễ Hội nghị cấp cao APEC đã ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động bên lề hội nghị.
Lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng tại các tỉnh miền núi từ ngày 02-04/8/2017 và từ ngày 10-12/10/2017, trong đó đặc biệt nghiêm trọng tại Mường La (tỉnh Sơn La), Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái) và các huyện Tân Lạc, Đà Bắc, TP Hoà Bình (tỉnh Hòa Bình),… Tính từ đầu năm 2017, thiên tai đã làm 386 người chết và mất tích, 654 người bị thương. Tổng thiệt hại ước tính trên 60.000 tỷ đồng (tương đương trên 2,65 tỷ USD).
10 Mưa lũ miền Trung 2018
Đợt mưa lũ ở miền Trung đã làm 4 người chết, 2 người mất tích. Nước lũ nhấn chìm hơn 23.000 ngôi nhà, hơn 60.000 gia súc gia cầm bị chết và cuốn trôi…
Hầu như năm nào nước ta cũng gặp phải các trận lũ lụt kinh hoàng, nhỏ có, lớn cũng có. Mùa lũ ùa về cũng mang theo bao niềm lo, nỗi đau và tang thương. Thiệt hại về người và của trong những năm qua sẽ mãi là những vết thương hằn sâu không bao giờ lành. Vết thương ấy hiện nay lại đang nhói lên ở miền Trung của đất nước khi bao đồng bào ta phải đang chịu cảnh mất mát và đau thương. Hy vọng cơn ác mộng này sẽ nhanh chóng kết thúc và trả lại cuộc sống bình yên cho người dân nơi đây.
Tham gia Group Ăn Chơi Sinh Viên để tìm hiểu những khuyến mãi dành cho sinh viên và những quán ăn mới nhất trong làng các bạn nhé!
#Nguồn: Tổng hợp