Bạn đang là sinh viên, chưa tốt nghiệp, sống xa quê, xa nhà? Bạn có hoàn cảnh khó khăn, muốn san sẻ một phần gánh nặng kinh tế cho bố mẹ? Bạn muốn tích lũy vốn sống và kinh nghiệm cho bản thân? Đó chính là những lúc mà bạn nên nghĩ đến chuyện “Mình sẽ đi làm thêm!”. Nhưng bạn lại e dè, không biết nên làm công việc gì, làm ở đâu, nên chuẩn bị những gì,… vì bản thân chưa có kinh nghiệm. Đừng lo lắng, ở bài viết này, mình sẽ bật mí TẤT TẦN TẬT VỀ “LÀM THÊM” CHO SINH VIÊN!!!
Trước hết, đã sẵn sàng đi làm thêm chưa?
Quyết định này là kết quả của việc cân nhắc các yếu tố:
- Bạn sắp phải đối mặt với những khó khăn, vất vả, áp lực của công việc.
- Thời gian cho bản thân sẽ ít đi, vì ngoài giờ học, bạn đi làm thêm mất rồi!
- Nhưng công việc sẽ mang đến các giá trị. Giá trị vật chất là tiền lương, các phần thưởng,… giá trị phi vật chất là kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng,… mà bạn có được trong quá trình làm việc.
Vậy, bạn đã sẵn sàng để đón nhận những điều đó hay chưa?
Nếu đã sẵn sàng, bài viết này dành cho bạn. Nếu chưa, hãy lưu lại bài viết cho đến khi bạn đã sẵn sàng…
03 điều chuẩn bị những gì trước khi làm thêm
1. Một chiếc CV thật “xịn xò”
CV hiểu nôm na là lí lịch tóm tắt của bạn. Trong một chiếc CV, bạn nên có các mục như:
- Thông tin về bản thân;
- Kinh nghiệm làm việc;
- Học vấn;
- Thành tích, chứng chỉ;
- Kỹ năng;
- Điểm mạnh,…
Dù bạn ứng tuyển vào vị trí nào, ở bất kì nơi nào, nhà tuyển dụng cũng yêu cầu bạn nộp CV cho họ trước khi phỏng vấn.
Nhưng hãy nhớ, nhà tuyển dụng KHÔNG có thời gian để đọc hết CV của bạn vì có tận hàng trăm, hàng ngàn chiếc CV khác cũng đang đợi họ.
Chính vì vậy, hãy để CV của mình trở nên thật ấn tượng!
Muốn thế, bạn phải nắm được yếu tố quan trọng nhất mà nhà tuyển dụng quan tâm. Tùy vào tính chất công việc mà sự ưu tiên của nhà tuyển dụng sẽ khác nhau.
- Đối với những công việc mang tính sư phạm (gia sư chẳng hạn): hãy đặt học vấn, các thành tích và chứng chỉ đạt được lên đầu trang;
- Và những công việc khác (nhân viên part-time chẳng hạn): hãy đặt kinh nghiệm và kĩ năng lên đầu trang.
Nếu bạn chưa có kinh nghiệm thì sao?
Đừng lo lắng, hãy đặt điểm mạnh của bản thân lên đầu. Sau đó khi đến vòng phỏng vấn, hãy nói rõ hơn về nó. Mình sẽ chia sẻ ở phần tiếp theo nha!
Tóm lại, 04 gợi ý để có một chiếc CV cực “xịn”:
- Cố gắng tự trau dồi những kĩ năng mềm cho bản thân mình, đặc biệt là ngoại ngữ, tin học.
- Đầu tư thiết kế CV cho hút mắt, nếu bạn không có khả năng tự thiết kế thì TopCV sẽ là “cứu cánh” cho bạn. Nhưng lời khuyên là hãy tự tạo ra chiếc CV mang đậm dấu ấn riêng của mình nha!!
- Hãy bố trí các yếu tố trong CV một cách thông minh và có chủ đích, điều đó sẽ giúp nhà tuyển dụng không mất nhiều thời gian, và cơ hội có được công việc của bạn sẽ tăng lên rất nhiều đó.
- Lưu ý độ dài của một chiếc CV không quá 02 trang, tốt nhất là 01 trang thuii
2. Tìm hiểu trước về công việc mà bạn mong muốn
Chọn việc cũng như chọn người yêu, trước khi bắt đầu, bạn hãy dành thời gian tìm hiểu rõ về nó, như thế mới có thể gắn bó lâu dài.
Có rất nhiều nguồn để bạn tìm hiểu về công việc mong muốn của mình. Bạn có thể liên hệ với bạn bè, những người có kinh nghiệm hay những người đã và đang làm công việc đó,… hoặc quan sát thực tế. Ngoài ra, Google cũng là một sự lựa chọn để bạn hiểu hơn về những gì mình cần phải làm.
Bạn cần tìm hiểu những gì?
- Mức lương cơ bản/ trung bình của công việc đó;
- Bạn sẽ làm công việc đó ở đâu?
- Những tố chất/ yêu cầu về năng lực (kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm) mà công việc đó đặt ra;
- Nội dung công việc: bạn sẽ phải làm những gì?
- Cơ hội thăng tiến ra sao?
- Cần phải dành bao nhiêu giờ một ngày/một tuần để đáp ứng cơ bản các yêu cầu của công việc?
Sau khi đã nắm rõ được các yếu tố trên, bước cuối cùng là hãy LẬP KẾ HOẠCH cho bản thân mình.
3. Lập thời gian biểu – lên kế hoạch
Đừng quên rằng mình đang là sinh viên và việc học là ưu tiên hàng đầu, ngoài việc học, bạn còn phải tham gia phong trào, các workshop, talkshow hay các chương trình thiện nguyện để tích lũy điểm rèn luyện. Một vài bạn còn phải đi học các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học,… ngoài giờ học chính quy.
Cho nên, để cân bằng tất cả, hãy sắp xếp, hệ thống lại những gì cần làm trong một ngày, một tuần.
Bạn hãy chép lại thời khóa biểu của mình và sắp xếp nó theo từng ngày. Ví dụ:
- Monday: Triết học Marx-Lenin (sáng), TOEIC 1 (chiều);
- Tuesday: Kinh tế chính trị Marx-Lenin (chiều), Tin học văn phòng (tối);
- Wednesday: Chủ nghĩa xã hội khoa học (sáng);…
Tiếp theo, hãy hệ thống lại những khoảng thời gian còn trống, nhìn vào thời khóa biểu trên, có thể thấy, bạn trống các buổi như: tối thứ hai, sáng thứ ba, chiều và tối thứ tư,…
Đây là khoảng thời gian để bạn có thể đi làm thêm đó!
Mách nhỏ, 03 gợi ý giúp bạn lên kế hoạch một cách “thông minh”:
- Ưu tiên việc học lên hàng đầu;
- Cân bằng thời gian cho học tập, hoạt động xã hội với thời gian đi làm thêm.
- Đừng quên dành một chút thời gian cho bản thân, gia đình và bạn bè.
Tìm việc ở đâu và xin việc như thế nào?
Nên tìm việc ở đâu?
Khi bạn đã tìm hiểu thật kĩ công việc mà mình mong muốn, bạn hãy nghĩ đến mình sẽ làm việc ở đâu. Lúc này, bạn phải thật “tỉnh táo” để không bị sa vào lưới của những kẻ lừa đảo, đa cấp.
Hãy hỏi những người đi trước, những người có kinh nghiệm và đáng tin cậy như thầy cô, gia đình,… Song, hãy đến tận nơi bạn muốn làm việc để hỏi về nhu cầu tuyển dụng nhân sự của họ. Một vài nơi sẽ có trang web chính thống, nhưng cũng có nhiều nơi không có website, cho nên hãy hạn chế thấp nhất tìm kiếm nơi làm việc trên Google nếu bạn không muốn trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo.
Xin việc như thế nào?
Sau khi tìm được nơi ứng tuyển, bạn nộp CV và chờ đợi nhà tuyển dụng liên hệ phỏng vấn khi họ có nhu cầu về nhân sự. Thế nên, hãy chuẩn bị một tâm thế tự tin, thoải mái để phỏng vấn thật tốt nha!
Để bớt “run”, bạn hãy xem qua các câu hỏi mà nhà tuyển dụng thường sẽ hỏi trên internet, hoặc hỏi những người có kinh nghiệm mà bạn tin cậy.
Cuối cùng, hãy tập trả lời những câu hỏi ấy, điều đó giúp bạn tự tin hơn khi phỏng vấn.
03 câu hỏi thường gặp và “tips” để có câu trả lời ấn tượng
Bạn hãy tự giới thiệu về bản thân….
Trước khi đến với những câu hỏi, nhà tuyển dụng mong muốn bạn hãy thể hiện BẠN LÀ AI để nhận ra cá tính của bạn.
Tip dành cho yêu cầu này là hãy giới thiệu ngắn gọn những yếu tố quan trọng nhất, và hãy nói những điều mà bạn chưa đề cập đến trong CV của mình.
Ví dụ: Em tên là Nguyễn Văn A, hiện đang là sinh viên năm nhất của trường Đại học X, chuyên ngành Z. Em hiện đang ở tại KTX khu B trong khu đô thị Đại học Quốc gia. Em đã ghi rõ thông tin của bản thân trong CV của mình. Thế nên em sẽ nói đến yếu tố mà tôi/em chưa đề cập trong CV, đó là những điểm yếu của bản thân.
Do đang là sinh viên năm nhất, lần đầu xa nhà, sống tự lập nên em chưa có kinh nghiệm. Thế nên, đây là lần đầu tiên em đi làm, kĩ năng về ngoại ngữ và tin học của em tự đánh giá ở mức trung bình, cơ bản, nhưng em đang cố gắng để trau dồi để ngày càng tốt hơn. Vì vậy, em hy vọng mình có dịp học hỏi nhiều hơn trong công việc mới vì em tin rằng đây là môi trường lí tưởng, thích hợp để em học tập, trải nghiệm và cống hiến.
Tóm lại, bạn hãy cho nhà tuyển dụng biết các thông tin như:
- Tên, sinh viên năm mấy, trường gì, chuyên ngành gì?
- Bạn đang sống ở đâu?
- Nói về những điều CHƯA được đề cập trong CV của mình.
- Kết thúc câu trả lời bằng việc thể hiện thành ý của bản thân, mong muốn, hy vọng, niềm tin vào công việc và những gì mình sẽ làm.
1. Tại sao bạn lại ứng tuyển vào đây? (tên công ty hoặc nơi mà bạn ứng tuyển)
Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá mức độ hiểu biết của bạn về nơi bạn ứng tuyển để xem liệu bạn có nghiêm túc tìm hiểu về công việc hay không.
Do đó, hãy sử dụng những thông tin, hiểu biết mà bạn đã tìm kiếm để trả lời nhé!
Để trả lời câu hỏi này, bạn phải nói được các ý:
- Em đã tìm hiểu về công việc này ở rất nhiều nơi, từ nhiều nguồn tin nhưng nhận thấy rằng nơi này phù hợp để em làm việc.
- Đưa ra lí do: dựa vào TẦM NHÌN, SỨ MỆNH, GIÁ TRỊ CỐT LÕI mà nơi bạn ứng tuyển muốn hướng đến (để biết được điều này, bạn phải tìm hiểu thật kĩ, tránh nói sai nha!)
- Từ những điều đó, cùng với những điểm mạnh của bản thân, em thấy rằng mình rất phù hợp khi làm việc ở đây và tin rằng bản thân có thể góp sức mình vào việc thực hiện tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của … (tên công ty, hoặc nơi bạn ứng tuyển).
2. Bạn có biết nội dung công việc mà bạn cần phải làm là gì không?
Ở câu hỏi này, bạn có thể trả lời như sau:
- Theo như hiểu biết và sự quan sát của em, công việc mà em cần phải làm là…
- Tuy nhiên, đó chỉ là những hiểu biết và quan sát từ bên ngoài, cho nên chưa đầy đủ và trọn vẹn tất cả…
- Dù công việc thực tế nhiều hơn nhưng em cũng không ngại. Bởi lẽ dù làm việc gì hay ở đâu, cũng có những cái cực, cái khó riêng, bản thân phải biết chấp nhận, đối mặt và vượt qua.
- Em rất hy vọng mình có thể đảm nhiệm vị trí đó.
3. Bạn có thể dành bao nhiêu thời gian cho công việc?
Câu hỏi này để đánh giá mức độ sẵn sàng cho công việc của bạn. Hãy dựa vào thời gian biểu đã lập ra của bản thân để trả lời nha.
Bạn có thể trả lời như sau:
- Vì đang là sinh viên nên em phải vừa học, vừa làm…
- Lịch học của em hơi dày nhưng em vẫn có thể sắp xếp được để đáp ứng yêu cầu công việc…
- Em có thể dành ra x giờ/ngày và khoảng y giờ/tuần để làm việc…
- Dù thời giờ làm việc còn hạn chế nhưng em sẽ hoàn thành tốt các công việc được giao, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ và bổn phận của mình.
Kết luận…
Đây ba câu hỏi phổ biến nhất và gợi ý trả lời. Tuy nhiên, tùy theo yêu cầu, tính chất và vị trí công việc mà nhà tuyển dụng sẽ có thêm những câu hỏi khác. Bạn hãy sẵn sàng cho những câu hỏi về xử lí tình huống vì đó là dạng câu hỏi chắc chắn sẽ có dù bạn làm bất kì công việc gì, ở bất kì vị trí nào.
Cuối buổi phỏng vấn, đừng quên kết thúc bằng một lời cảm ơn đến nhà tuyển dụng nhé và một nụ cười thật tươi để gây thiện cảm với nhà tuyển dụng.
Nguyên tắc 2C: Chân Thật – Chân Thành
Chân Thật
Điều mà nhà tuyển dụng mong muốn nhìn thấy ở bạn trước hết là sự chân thực. Cho nên tất cả các thông tin mà bạn đưa ra phải là sự thật và cũng đừng ngại bày tỏ những khó khăn, vướng mắc mà bản thân đang gặp phải với họ nhé!
Chân Thành
Yêu cầu của bất kì công việc nào cũng được đặt ra theo các tiêu chí: Kiến thức (4%); Kĩ năng (26%) và Thái độ (70%). Vì vậy, hãy bày tỏ những mong muốn và nguyện vọng của mình một cách chân thành, thái độ quan trọng hơn trình độ. Đó là “điểm cộng” lớn nhất mà bạn có thể giành được trong mắt các nhà tuyển dụng.
Quy tắc 4T cần biết
- Tâm thế sẵn sàng
- Tra cứu/ tìm hiểu rõ về công việc
- Tìm việc ở nơi uy tín
- Tự tin khi phỏng vấn.
Đó cũng chính là nội dung chính mà bài viết muốn hướng đến.
Bài viết là những kinh nghiệm mà mình đã tích lũy được sau quá trình xin việc và làm việc của mình. Hy vọng có thể giúp mụi người tìm được công việc thích hợp để trang trải cho bản thân trong những năm tháng sinh viên đáng nhớ.
Tham gia Group Ăn Chơi Sinh Viên để cập nhật thêm nhiều tin tức dành cho sinh viên hàng ngày các bạn nhé!
>>>XEM THÊM: CÁC WEBSITE HỮU ÍCH CHO SINH VIÊN